Sự ra đời của vaccin đã giúp nhân loại phòng ngừa nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Hiệu quả của vaccin đã hướng nghiên cứu của các nhà khoa học đến việc phòng ngừa các căn bệnh nan y như ung thư. Bằng cách đưa hệ thống miễn dịch của cá nhân vào các tế bào ung thư –vaccin phòng chống ung thư đang hứa hẹn sẽ mang lại cuộc sống an toàn cho hàng triệu người trên thế giới…
Vaccin giúp phòng chống bệnh ung thư.
Ý tưởng về vaccine phòng chống ung thư
Mọi phương pháp điều trị ung thư đều hướng đến một mục đích là điều trị ung thư có thể nhắm mục tiêu tiêu diệt các tế bào ung thư đồng thời không ảnh hưởng tới các tế bào khỏe mạnh.
Tại Viện nghiên cứu ung thư Dana – Farber Boston, Mỹ, trong hai nghiên cứu mới đây nhất, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các vaccin ung thư thử nghiệm để điều trị những bệnh nhân bị khối ung thư da ác tính. Trong cả hai nghiên cứu, các khối u hoàn toàn biến mất ở hơn một nửa số bệnh nhân sau khi được tiêm chủng ngừa ung thư. Các bệnh nhân khác được điều trị bằng một loại thuốc khác nhằm tăng khả năng chống lại ung thư của các cá nhân và trong một số trường hợp, các khối u của bệnh nhân cũng biến mất.
TS. Catherine Wu, một nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu ung thư Dana-Farber Boston, Mỹ cho biết: Họ đang phát triển các loại vaccin chống lại các loại ung thư khác nhau, bao gồm vaccin chống ung thư não có tên gọi là glioblastoma, ung thư thận, ung thư máu và ung thư buồng trứng.
Hai phương pháp tiếp cận vaccin phòng chống ung thư
Trong phương pháp tiếp cận vaccin phòng ngừa ung thư thứ nhất, các nhà khoa học Mỹ phát triển loại vaccin mang các phân tử chỉ dẫn, giúp phát hiện tế bào ung thư. Những loại vaccin này không trực tiếp tiêu diệt tế bào ung thư mà hoạt động dựa trên cơ chế chỉ dẫn, có thể giúp hệ miễn dịch nhận ra những tế bào ung thư. Từ việc phát hiện, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chủ động thu nạp các chiến binh của nó bao gồm tế bào T và các tế bào bảo vệ khác để tìm ra và loại bỏ tế bào ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hai loại vaccin khác nhau để tấn công khối u hắc tố - loại u ác tính da thường có đột biến do tiếp xúc với tia cực tím.
TS. Cornelius Melief thuộc Trung tâm Y tế Đại học Leiden, Hà Lan, người tham gia nhóm nghiên cứu trên cho biết, những đột biến như vậy có thể dẫn đến các protein bất thường ở cơ thể được gọi là neoantigens, đó là các mục tiêu hữu ích cho vaccin.
Cũng trong nghiên cứu này, nhóm các nhà khoa học Mỹ và đồng nghiệp đã tạo ra loại vaccin chứa tới 20 neoantigens đặc trưng cho ung thư của mỗi bệnh nhân.
Các thử nghiệm lâm sàng tiếp đó đã giúp khẳng định rằng: Vaccin an toàn và kích hoạt phản ứng miễn dịch. Bốn bệnh nhân không thấy dấu hiệu của bệnh ung thư tái phát sau 25 tháng.
TS.Ugur Sahin thuộc Trung tâm Y tế Đại học của Đại học Johannes Gutenberg và Tổng công ty Công nghệ Sinh học Dược phẩm, ở Mainz, Đức, cùng các đồng nghiệp của ông đã phân tích bệnh ung thư của 13 bệnh nhân, sau đó lựa chọn tối đa 10 đột biến trên người để tạo ra vaccin phù hợp với bệnh ung thư của bệnh nhân. Những vaccin này được tạo thành từ các phân tử RNA, các hợp chất mã hóa cơ chế tạo ra các protein như neoantigens.
TS. Sahin và các đồng nghiệp của ông phát hiện ra rằng vaccin đã tăng cường đáp ứng miễn dịch ở tất cả các bệnh nhân. 8 trong số 13 bệnh nhân không còn khối u sau 23 tháng. Tuy nhiên, 5 người còn lại có khối u tái phát, trong đó có một mẫu hồi phục khối u hoàn chỉnh sau khi được điều trị bằng liệu pháp kiểm soát điểm dừng.
TS. Wu và đồng nghiệp cho biết: Các phản ứng phụ liên quan đến điều trị bao gồm các triệu chứng giống như cúm nhẹ, phản ứng phát ban và mệt mỏi. Song ghi nhận không có các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Cả hai nghiên cứu này đều là thử nghiệm lâm sàng pha I, có nghĩa là chúng được tiến hành với một số ít bệnh nhân để kiểm tra độ an toàn của điều trị và tìm thấy liều điều trị tốt nhất với ít tác dụng phụ nhất. Mặc dù kết quả là khả quan, song đây là những nghiên cứu quy mô nhỏ. Nhóm các nhà khoa học đang mở rộng quy mô thử nghiệm vaccin phòng chống ung thư với số lượng bệnh nhân lớn hơn và tại nhiều quốc gia khác nhau trước khi đưa vaccin trở thành vũ khí tiêu diệt ung thư trên toàn thế giới.
Minh Ngọc
(livescience 7/2017)