Tiến triển âm thầm
Biến chứng tại mắt do bệnh đái tháo đường có thể biểu hiện âm thầm, từ nhẹ đến nặng. Ban đầu người bệnh thường thấy mắt đỏ, chảy nước mắt, cộm, vướng, ngứa mắt... Hạn chế hoặc liệt vận động nhãn cầu: Người bệnh nhìn một thành hai (khi hai mắt cùng mở) còn gọi là triệu chứng song thị, có thể kèm theo lệch đầu, vẹo cổ. Mắt không liếc về một phía của cơ bị liệt, có thể kèm theo sụp mi. Mắt bị lác gọi là lác liệt. Đục thể thủy tinh gây nhìn mờ.
Người bệnh đái tháo đường cần đi khám mắt thường xuyên để phát hiện sớm biến chứng. Ảnh: TL
Đường máu tăng sẽ phá hủy các mạch máu ở võng mạc và gây ra bệnh võng mạc ĐTĐ, đây là hậu quả về mắt nặng nề nhất do ĐTĐ gây ra. Ở thời kỳ đầu của bệnh, những tổn thương võng mạc chưa làm giảm thị lực nhiều nên người bệnh chưa thể nhận ra. Đó là những tổn thương mạch máu do mạch máu bị dãn ra gọi là phình vi mạch. Lâu ngày, các chất dịch trong máu sẽ dò qua thành mạch gây phù võng mạc và phù hoàng điểm làm cho người bệnh nhìn thấy ám điểm ở giữa vùng nhìn, hình ảnh bị mờ và nhòe đi, thời gian sau sẽ phát sinh các mạch máu mới, gọi là tân mạch, phù, xuất tiết và nặng hơn nữa là xuất huyết võng mạc và có thể dẫn đến xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, tân mạch có thể phát sinh ở phần phía trước nhãn cầu (mống mắt và góc tiền phòng) gây tăng nhãn áp làm đau nhức và mù nhanh.
Điều nguy hiểm là quá trình này lại tiến triển âm thầm, mặc dù đã có tổn thương sớm ở võng mạc và thủy tinh thể nhưng đa số người bệnh đái tháo đường không thấy có rõ triệu chứng bất thường về mắt cho đến khi đột nhiên bị giảm hoặc mất thị lực. Khi đó khả năng phục hồi của mắt rất kém, người bệnh có thể bị mù vĩnh viễn.
Phải theo dõi và điều trị kịp thời
Bệnh nhân đái tháo đường cần đặc biệt chú ý chăm sóc đôi mắt của mình, đừng chờ đợi mắt mờ mới đi khám mắt mà hãy khám mắt ngay khi biết mình bị bệnh đái tháo đường để phát hiện và điều trị bệnh sớm, tránh mù loà.
Để phòng ngừa biến chứng trên mắt, bệnh nhân ĐTĐ cần tuân thủ những nguyên tắc sau: duy trì đường huyết và kiểm soát huyết áp ổn định theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, bỏ thuốc lá. Cần đi khám mắt tại các cơ sở y tế chuyên khoa định kỳ, ít nhất là 1 lần/năm để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các biến chứng về mắt. Đặc biệt, cần đi khám mắt ngay khi có thấy một trong các dấu hiệu: nhìn mờ, khó đọc sánh báo, nhìn đôi, đau một hoặc cả hai bên mắt, mắt đỏ hoặc căng tức, nhìn có hình ảnh ruồi bay,...
BS. Thanh Bình